Tật khúc xạ là gì?
Ở mắt bình thường (khúc xạ bình thường), ánh sáng đi vào nhãn cầu hội tụ trên võng mạc bởi giác mạc và thủy tinh thể tạo hình ảnh sắc nét được truyền về vỏ não. Thủy tinh thể có khả năng đàn hồi nhiều hơn ở người trẻ. Trong quá trình điều tiết, cơ thể mi sẽ điều chỉnh hình dạng thủy tinh thể để tạo hình ảnh sắc nét. Tật khúc xạ là tình trạng mắt không thể hội tụ hình ảnh trên võng mạc gây nhìn mờ
Các loại tật khúc xạ:
Có 4 loại tật khúc xạ
Cận thị:
Người bị cận thị, thông thường có độ dài của mắt lớn hơn bình thường (cận thị do trục), tuy nhiện cũng có thể do giác mạc hoặc thể thủy tinh quá cong (cận thị do khúc xạ).
Ở mắt cận thị, khi có ánh sáng chiếu vào các tia sáng sẽ hội tụ thành một điểm gọi là tiêu điểm, tiêu điểm này nằm trước võng mạc
Mắt bị cận thị thường được gọi là “mắt nhìn gần” do người cận thị nhìn gần rõ hơn nhìn xa.
Người bị cận thị cần đeo kính phân kì để các tia sáng khi đi vào mắt sẽ được phân kì và kéo tiêu điểm từ phía trước về phía sau để nằm trên võng mạc.
Viễn thị
Ngược lại với người bị cận thị. Người bị viễn thị, thông thường có độ dài của mắt ngắn hơn bình thường (viễn thị do trục), tuy nhiện cũng có thể do giác mạc hoặc thể thủy tinh quá dẹt (viễn thị do khúc xạ).
Ở mắt viễn thị, khi có ánh sáng chiếu vào các tia sáng sẽ hội tụ ở sau võng mạc, tiêu điểm nằm sau võng mạc.
Mắt bị viễn thị thường được gọi là “mắt nhìn xa” do người cận thị nhìn xa rõ hơn nhìn gần.
Người bị viễn thị cần đeo kính hội tụ để các tia sáng khi đi vào mắt sẽ được hội tụ và kéo tiêu điểm từ phía sau về phía trước để nằm trên võng mạc.
Loạn thị:
Ở mắt bình thường không có tật khúc xạ (mắt chính thị), mắt cận thị và viễn thị đều có khúc xạ cầu. Mặt cầu giống như quả bóng tròn có độ cong bằng nhau ở tất cả các kinh tuyến bề mặt, do vậy công suất khúc xạ bằng nhau ở các hướng.
Ở mắt loạn thị, bề mặt giống như quả trứng, có độ cong không đều ở tất cả các hướng vì vậy công suất khúc xạ cũng khác nhau ở các kinh tuyến. Ở mắt loạn thị có 2 kinh tuyến chính: một kinh tuyến vồng hơn và một kinh tuyên dẹt hơn. Hai kinh thuyến này vuông góc với nhau.
Ở mắt loạn thị thường có mặt giác mạc cong không đều, nhưng nếu nhìn bên ngoài thì không thấy rõ. Với độ cong giác mạc bất thường rất nhỏ thì cũng gây ra loạn thị đáng kể. Phải có dụng cụ đặc biệt để đo độ cong giác mạc.
Ở mắt loạn thị khi ánh sáng đi vào mắt các tia sáng không hội tụ thành 1 điểm (tiêu điểm) mà thành nhiều điểm hay gọi là tiêu tuyến. Có 2 tiêu tuyến chính: 1 tiêu tuyến dọc tạo bởi kinh tuyến ngang vồng hơn của giác mạc và 1 tiêu tuyến ngang được tạo bởi kinh tuyến dọc dẹt hơn của giác mạc. Hai tiêu tuyến này có thể 1 nằm trước võng mạc, 1 nằm sau võng mạc hoặc 1 nằm trước hay sau võng mạc và 1 nằm trên võng mạc. Tùy theo từng tình huống này mà ta có loạn thị đơn hoặc loạn thị hỗn hợp.
Lão thị:
Lão thị là hiện tượng do thể thủy tinh cứng dần lên theo tuổi. Bình thường thể thủy tinh có thể phồng lên hoặc dẹt xuống khi ta điều tiết thông qua hoạt đông của cơ thể mi và dây chằng Zinn. Quá trình phồng lên hoặc dẹt xuống của thể thủy tinh sẽ giảm đi khi mức độ cứng của thể thủy tinh tăng lên. Đây chính là hiện tượng điều tiết của mắt. Khi nhìn gần khả năng điều tiết giảm đi, do đó phải đeo kính hội tụ (hay vẫn thường nói là kính lão) để nhìn vật rõ hơn. Vì vậy, lão thị thường bắt đầu ở tuổi 40 và tăng dần đến khoảng 60 tuổi.
Triệu chứng
Triệu chứng sớm của tật khúc xạ là nhìn xa hoặc gần mờ hoặc cả hai. Đôi khi co thắt cơ thể mi có thể dẫn tới đau đầu. Nheo mắt kéo dài khi sử dụng mắt cũng có thể dẫn đến nhức đầu. Thỉnh thoảng, khi quá tập trung nhìn vào một điểm có thể dẫn đến khô bề mặt nhãn cầu, gây kích ứng mắt, ngứa, mỏi mắt, cảm giác dị vật và đỏ mắt. Mỏi mắt khi đọc và nháy mắt nhiều hoặc dụi mắt là triệu chứng tật khúc xạ ở trẻ em.
Chẩn đoán
- Kiểm tra thị lực
- Khúc xạ
- Khám mắt toàn diện
Kiểm tra thị lực và khúc xạ (xác định tật khúc xạ) cần định kì tiến hành 1 đến 2 năm một lần. Kiểm tra thị lưc của trẻ giúp phát hiện các khúc xạ khúc xạ trước khi ảnh hưởng đến học tập. Khi bác sĩ mắt hoặc chuyên viên khúc xạ khám mắt tổng quát, cần đồng thời kiểm tra khúc xạ của bệnh nhân.
Điều trị
- Chỉnh kính
- Kính áp tròng
- Phẫu thuật khúc xạ
Phương pháp điều trị các tật khúc xa gồm chỉnh kính, kính áp tròng, và phẫu thuật khúc xạ.
Cận thị và viễn thị được chỉnh bằng kính cầu. Kính lõm dùng để chỉnh cận thị, là kính trừ và phân kỳ. Kính lồi dùng để chỉnh viễn thị, là kính cộng và hội tụ. Loạn thị được chỉnh bằng kính trụ. Đơn kính có 3 thông số. Số đầu tiên là công suất cầu (trừ với cận thị, cộng với viễn thị). Số thứ hai là công suất trụ (cộng hoặc trừ) Số thứ ba là trục loạn thị. Ví dụ,đơn thuốc cho bệnh nhân loạn cận có thể đọc là -4.50 + 2.50 x 90, và bệnh nhân loạn viễn có thể đọc là +3.00 + 1.50 × 180.